cac-nghien-cuu-ung-dung-vat-lieu-moi

Các nghiên cứu - ứng dụng vật liệu mới

Admin 19/09/2019

Dưới đây là một số loại vật liệu mới vừa được các nhà khoa học trong nước và nước ngoài nghiên cứu và hiện đang đưa vào ứng dụng trong thực tiễn.

 

Vật liệu xúc tác quang tự làm sạch

Các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã chế tạo thành công vật liệu xúc tác quang tự làm sạch, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nhiễm khuẩn.

Hiện nay, đã có một số sản phẩm được ứng dụng như sơn quang xúc tác, máy lọc khí,thiết bị chưng cất nước sạch… đáp ứng được nhu cầu về vật liệu và có khả năng tự làm sạch môi trường, theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và thế giới. Các sản phẩm nói trên hiện đang được chế tạo ở quy mô pi-lốt bán công nghiệp, trong thời gian tới sẽ phối hợp với các cơ sở trong nước để mở rộng quy mô sản xuất về chủng loại, tính năng và khả năng ứng dụng.

Phát triển thành công tấm pin quang điện trong suốt

Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Michigan (Hoa Kỳ) đã phát triển thành công các tấm pin quang điện trong suốt. Công nghệ sử dụng các phân tử hữu cơ có khả năng hấp thụ những bước sóng của ánh sáng, sau đó chuyển hóa thành điện năng nhờ các tế bào quang điện. Hiện tại, tỷ lệ chuyển hóa năng lượng mới đạt mức 1% và nhóm nghiên cứu đang nỗ lực để tăng tỷ lệ lên 5%. Đây là bước đột phá có thể mang đến những ứng dụng rộng rãi trong ngành kiến trúc, thiết bị điện tử, công nghiệp ô-tô, hứa hẹn sẽ được sử dụng để tận dụng nguồn năng lượng mặt trời cho các hoạt động của các thiết bị làm từ kính.

Tạo ra thủy tinh cứng như thép

Các nhà khoa học tại Viện Khoa học Công nghiệp (IIS) thuộc Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã tạo ra được một loại thủy tinh mới với độ bền gần như thép. Thành phần đặc biệt để tạo nên loại thủy tinh này là nhôm ô-xít, một hợp chất với độ cứng rất cao, được pha trộn với silicon dioxide. Trước đó, việc tích hợp nhôm ô-xít vào kính trong các nghiên cứu gặp khó khăn, bởi hỗn hợp sẽ bị kết tủa ngay khi chạm vào bất kỳ loại vật chứa nào. Nhóm nghiên cứu đã loại bỏ các thùng chứa, trộn các thành phần làm kính ngay trong không khí để khắc phục, tạo ra loại thủy tinh trong suốt với 50% nhôm ô-xít. Loại thủy tinh này có thể sánh ngang với sắt và thép về độ cứng, đàn hồi nhưng lại không bị dày lên. Các nhà khoa học Nhật Bản tin rằng, nghiên cứu này sẽ giúp việc phát triển các loại màn hình, thiết bị vi tính, điện tử trong tương lai.
 

Theo Nhân dân